Ngày 6/4, tại trụ sở Bến đỗ tàu nghiên cứu biển,Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức Hội thảo các giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai các thực hiện các dự án, nhiệm vụ thuộc Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030 nhằm phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Quy chế phối hợp quản lý thực hiện và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả trong phối hợp xây dựng và thực hiện các dự án, nhiệm vụ thuộc Chương trình trọng điểm. Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chủ dự án thuộc Chương trình trọng điểm; các chuyên gia, nhà khoa học; các đại diện của Cục Quản lý điều tra cơ bản biển và hải đảo cùng lãnh đạo các đơn vị có liên quan trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi cho biết, mục tiêu chung Chương trình trọng điểm là: “Công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế trong từng giai đoạn để đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển”. Đây là một chương trình lớn, quan trọng, đa lĩnh vực, có sự tham gia thực hiện của các Bộ, ngành: Tài nguyên và Môi trường; Quốc phòng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Chương trình được thực hiện theo 2 giai đoạn, giai đoạn 2020 – 2025 và giai đoạn 2026 – 2030, bao gồm 26 nhiệm vụ, dự án mở mới và 15 nhiệm vụ, dự án được chuyển tiếp từ các Đề án, Chương trình khác.
Ngay sau khi Thủ tướng ban Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 phê duyệt Chương trình trọng điểm, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã chủ trì và phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quy chế phối hợp thực hiện Chương trình trọng điểm. Kết quả, ngày 19/02/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 216/QĐ-TTg ban hành quy chế phối hợp quản lý thực hiện Chương trình trọng điểm. Quy chế này, sẽ bảo đảm tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình trọng điểm ngay từ khâu lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện đến hoạt động nghiệm thu; tổ chức tốt công tác điều phối, chia sẻ thông tin, dữ liệu, khai thác, tận dụng tối đa năng lực, kinh nghiệm, phương tiện và trang thiết bị trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, dự án, đồng thời đề cao trách nhiệm, tính chủ động của từng bộ, ngành trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án.
Theo báo cáo tại Hội nghị, có thể thấy, nhìn chung, các dự án, nhiệm vụ mở mới đều chậm so với yêu cầu tại Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình trọng điểm. Cho đến nay, mới có 6/41 dự án, nhiệm vụ được phê duyệt; 6/41 dự án, nhiệm vụ đang lấy ý kiến góp ý, tiến hành các thủ tục thẩm định để phê duyệt; 24/41 dự án, nhiệm vụ đang trong quá trình xây dựng thuyết minh – dự toán.
Tổng cục trưởng mong muốn, thông qua Hội nghị, các nhà quản lý, các nhà khoa học và các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận tìm ra các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án, trong đó tập trung vào: (i) Quy định trong công tác quản lý, triển khai thực hiện các dự án, nhiệm vụ thuộc Chương trình trọng điểm; (ii) Các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai các dự án, nhiệm vụ thuộc Chương trình trọng điểm; (iii) phối hợp khảo sát, nghiên cứu các dự án, nhiệm vụ và nhu cầu sử dụng tàu khảo sát; phối hợp thực hiện từ khâu lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện đến hoạt động đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện; phối hợp trong việc xây dựng các quy định kỹ thuật, định mức kinh tế – kỹ thuật, đơn giá liên quan đến các dự án, nhiệm vụ thuộc Chương trình trọng điểm.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo tham luận của ông Trịnh Nguyên Tính, Cục trưởng cục Quản lý điều tra cơ bản biển và hải đảo; đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại tá Khương Văn Long, Đoàn trưởng Đoàn Đo đạc, biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển, Quân chủng Hải quân; ông Nguyễn Thanh Bình, đại diện Tổng cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; ông Lê Anh Thắng, giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên, môi trường biển khu vực phía Bắc, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cùng rất nhiều các ý kiến phát biểu, đóng góp hữu ích của các nhà khoa học; đại diện của cơ quan, đơn vị chủ dự án.Trong đó, thống nhất cùng nhau tạo lập một sân chơi chung cho điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; chú trọng sự phối hợp giữa công tác điều tra cơ bản và công tác nghiên cứu khoa học biển cũng như các vấn đề về quy định kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật; quy định về kiểm tra, kiểm soát chất lượng hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;…
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tiếp thu đầy đủ, toàn diện các ý kiến đóng góp, tham vấn của các đại biểu nhằm tìm ra các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả đồng thời tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các bộ, ngành và các địa phương trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình trọng điểm mà Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam với vai trò thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng Cơ quan thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Hội thảo đã được tổ chức thành công tốt đẹp tại thời điểm ý nghĩa khi mà chúng ta đang bắt tay vào triển khai kế hoạch nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 hết sức tập trung, mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ. Đây có thể coi là một sự khởi đầu mới, tạo ra động lực mới nhằm triển khai thành công Chương trình trọng điểm, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi nói.