Những năm gần đây,Việt Nam có được mạng lưới các trạm định vị vệ tinh (VNGEONET) thu liên tục tín hiệu từ các hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh (GNSS) đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế.
VNGEONET đã góp phần trong việc hoàn thiện và hiện đại hóa hạ tầng đo đạc và bản đồ cơ bản, cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh; giám sát tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và cứu nạn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, thúc đẩy nghiên cứu khoa học về Trái đất.
Hệ thống trạm định vị vệ tinh quốc gia bao gồm 65 trạm GNSS CORS, trong đó, bao gồm: 24 trạm Geodetic CORS được bố trí trên phạm vi toàn quốc với khoảng cách trung bình giữa các trạm từ 150÷200 km và 41 trạm NRTK CORS được bố trí tại 3 khu vực, đó là: Đồng bằng Bắc Bộ và khu vực Thanh Hóa; khu vực miền Trung và Tây Nguyên; khu vực Nam Bộ với khoảng cách trung bình giữa các trạm từ 50 – 80km.
Các điểm Geodetic CORS sẽ là các điểm khung cơ sở phục vụ cho việc xây dựng hệ quy chiếu, hệ tọa độ động quốc gia. Một số điểm sẽ được lựa chọn phục vụ cho nghiên cứu địa động lực, đánh giá các chuyển dịch mảng vỏ Trái đất, phục vụ công tác dự báo thời tiết và an ninh quốc phòng.
Công tác đo đạc, xử lý tính toán xác định tọa độ tại 65 trạm GNSS CORS đã hoàn thành trên cả 2 hệ tọa độ VN-2000 và ITRF2014. Các điểm gốc sử dụng để đo nối là các tọa độ quốc gia cấp 0, các điểm IGS có trong khu vực. Đồng thời, việc đo nói độ cao vào tất cả các trạm GNSS CORS cũng đã được hoàn tất với độ chính xác tương đương độ cao hạng II, hạng III.
Dữ liệu từ 65 trạm GNSS CORS được truyền trực tiếp qua mạng Internet về Trạm xử lý và Điều khiển Trung tâm tại Hà Nội để xử lý tính toán và cung cấp cho người sử dụng qua mạng Internet theo thời gian thực.
Một trong những mục tiêu của hệ thống đó là cung cấp dịch vụ đo động thời gian thực với độ chính xác cao cỡ cm cho các khu vực có xây dựng các trạm NRTK là Đồng bằng Bắc Bộ, Trung Trung Trung Bộ và Nam Bộ. Tuy vậy, sau khi hệ thống đi vào hoạt động đã nhận thấy không những mục tiêu này đạt được với độ chính xác rất cao (cỡ 2 – 4cm) mà các khu vực khác vẫn có thể được hệ thống cung cấp dịch vụ đo động thời gian thực với độ chính xác hoàn toàn thỏa mãn đáp ứng yêu cầu đo đạc, thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1/2.000 và tỷ lệ nhỏ hơn. Trong tương lai, để có thể cung cấp dịch vụ với độ chính xác cao hơn cần bổ sung các trạm NRTK với mật độ tương tự các trạm NRTK đã được lắp đặt tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Trung Trung Bộ và Nam Bộ.
Tính đến nay, các tổ chức tham gia đăng ký sử dụng dịch vụ chủ yếu là phục vụ đo đạc, bản đồ cũng như quản lý đất đai. Qua theo dõi số lượng tài khoản đăng ký sử dụng dịch vụ ngày một tăng, đến nay, đã có tổng số gần 600 tài khoản được đăng ký thành công. Các địa phương hiện đang ứng dụng dịch vụ của mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia nhiều nhất phải kể đến, như: Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh…
Ngoài việc ứng dụng trong công tác đo đạc và bản đồ, mạng lưới VNGEONET còn ứng dụng trong việc tính toán, xác định tốc độ chuyển dịch bề mặt kiến tạo mảng cũng như tốc độ trồi, lún của mặt đất đạt độ chính xác cao cỡ mm. Từ đó đưa ra những cảnh báo cũng như giải pháp để khắc phục kịp thời.
Để hoàn thiện các quy định kỹ thuật liên quan đến công nghệ này, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đang tiến hành xây dựng dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật về sử dụng hệ thống trạm định vị vệ tinh quốc gia trong đo đạc và bản đồ và sẽ trình Bộ TN&MT ban hành.
Hệ thống mạng lưới trạm VNGEONET bước đầu đi vào hoạt động đã đem lại những hiệu quả to lớn. Để đảm bảo cung cấp các dịch vụ định vị dẫn đường độ chính xác cao trên phạm vi toàn quốc, tới đây, Cục sẽ bổ sung xây dựng thêm khoảng 90 – 100 trạm NRTK CORS. Ngoài ra, Cục sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống này.
Nguồn: Báo Tài nguyên & Môi trường.