Trung tâm Trắc địa và Bản đồ biển (SEAMAP) thuộc Tổng Cục biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài Nguyên và Môi Trường), được thành lập ngày 11/6/1998 theo Quyết định số 502/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 21 năm hình thành và phát triển, Trung tâm Trắc địa và Bản đồ biển (SEAMAP) đã đạt được nhiều thành tựu, được khách hàng trong và ngoài nước tin cậy, ủng hộ.
Với đội ngũ cán bộ kỹ thuật nhiều kinh nghiệm và máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, Trung tâm Trắc địa và Bản đồ biển đã và đang cung cấp các dịch vụ đo đạc, biên vẽ bản đồ biển và đất liền cũng như các dịch vụ khảo sát, định vị, dẫn đường chính xác cao cho các khách hàng trong và ngoài nước.
SEAMAP cung cấp các dịch vụ đo đạc, biên vẽ bản đồ biển và đất liền, các dịch vụ khảo sát, định vị, dẫn đường chính xác cao được khách hàng tin cậy
Tổng số cán bộ, nhân viên của Trung tâm cho đến thời điểm hiện tại là 135 người. Trong đó có 15 Thạc sĩ, 82 Đại học và Cao đẳng, 15 Trung cấp và 23 sơ cấp.
Hiện nay, Trung tâm đang quản lý 02 trạm định vị DGPS cố định ven bờ biển Việt Nam gồm: Trạm DGPS cố định Đồ Sơn – Hải Phòng; trạm DGPS cố định Vũng Tàu và tàu “Đo đạc biển 01”.
Năm 2019 là năm đầu tiên Trung tâm bước vào thực hiện hoạt động theo Nghị định 141/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác. Thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao, năm 2019, Trung tâm đã triển khai, thực hiện dự án “Đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000 khu vực thềm lục địa từ Ninh Thuận đến Kiên Giang phục vụ nhiệm vụ quản lý biển của các Bộ, ngành, địa phương liên quan” với tổng kinh phí năm 2019 là 16.862 triệu đồng (tương ứng thi công 9 mảnh bản đồ).
Thực hiện quản lý, vận hành các trạm DGPS Đồ Sơn, Vũng Tàu hàng năm theo quy định, kinh phí là 1.600 triệu đồng. Trung tâm đã thực hiện công tác quản lý, vận hành các trạm DGPS tốt. Thực hiện quản lý, bảo dưỡng tàu Đo đạc biển 01 những tháng không tham gia sản xuất trong năm theo quy định. Trong năm 2019, đơn vị đã ký được 05 bổ sung hợp đồng dịch vụ định vị cho các công tác trên biển của Liên doanh Việt Nga – Vietsovpetro; thắng thầu, ký mới được 09 hợp đồng cung cấp dịch vụ đối với các khách hàng khác.
Dự tính hết năm 2019 giá trị từ các hợp đồng dịch vụ đã cung cấp đạt khoảng trên 45 tỷ đồng (trong đó, dịch vụ ngoài dầu khí ước khoảng 10 tỷ đồng).
Nhìn chung, trong năm 2019, Trung tâm Trắc địa và Bản đồ biển đã hoàn thành tốt nhiệm vụ nhà nước giao; hoạt động sản xuất kinh doanh của Trung tâm phát triển, duy trì và tiếp tục mở rộng thêm thị trường; các hoạt động khác của Trung tâm như quản lý tài sản, tài chính, an toàn lao động, bảo vệ chính trị nội bộ, chính sách xã hội, công tác của các đoàn thể hoạt động tốt; thu nhập của cán bộ, nhân viên được đảm bảo, ổn định.
Để đạt được những kết quả này, trong thời gian qua, Trung tâm Trắc địa và Bản đồ biển luôn nhận được sự quan tâm và ủng hộ của các cơ quan quản lý cấp trên trong mọi hoạt động. Sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Đảng uỷ, chính quyền và sự phối hợp tốt giữa Đảng ủy, Ban lãnh đạo và các tổ chức đoàn thể tại Trung tâm tạo ra khối đoàn kết nâng cao sức mạnh của Trung tâm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như khai thác các hợp đồng từ các ngành khác trong nền kinh tế.
Năm 2020, Trung tâm tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới; tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, cán bộ lãnh đạo các cấp tại Trung tâm; triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển tiếp năm 2019 sang năm 2020; thực hiện tốt các dự án, nhiệm vụ được phê duyệt, giao kế hoạch thực hiện trong năm 2020; duy trì và thực hiện tốt các quy trình của hệ thống quản lý Chất lượng – An toàn theo tiêu chuẩn ISO 45001:2018; tiếp tục khai thác thị trường, mở rộng thị trường, ổn định đơn vị về mọi mặt; đào tạo nguồn nhân lực trẻ, tinh nhuệ và trách nhiệm.